(GD&TĐ) - Khi triển khai nhiệm vụ trọng tâm của năm học mới, ở mục 3.6 “Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục”, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo: “
Vận động trong ngành giáo dục, trong vòng 2 năm bắt đầu từ năm học 2009-2010, chấm dứt việc dạy học chủ yếu qua đọc chép ở THCS, THPT”.
Chủ trương đưa ra hoàn toàn không đột ngột, vì từ cách đây 3 năm, khi triển khai cuộc vận động “Hai không”, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ ra hiện tượng đọc - chép như tồn đọng về phương pháp dạy học cần phải được khắc phục. Càng không thể coi là “quá muộn” như một bài báo đã nêu vì Bộ có quy định cụ thể thời điểm chấm dứt “đọc-chép” trong vòng 2 năm. Thêm nữa, đã gọi là giải pháp đổi mới phương pháp dạy học thì bất cứ lúc nào cũng có thể vận dụng.
Một chi tiết nữa rất đáng chú ý nhưng nhiều người đã bỏ qua, đó là Bộ Giáo dục chủ trương chống việc dạy học “chủ yếu qua đọc chép”; nghĩa là chống việc chỉ đọc chép trong cả một tiết lên lớp. Từ đây, có thể thấy cách đặt vấn đề “Dạy ra sao nếu không đọc-chép?” ở một tờ báo là nóng vội, một chiều.
Để phân tích điều này, phải đi từ xuất phát điểm của vấn đề. Chủ trương đổi mới phương pháp trong dạy và học luôn được quán triệt đến cơ sở trong nhiều năm qua và nhất là từ khi ra đời Nghị quyết 40 của Quốc hội ngày 9/12/2000 về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức dạy học ở các đơn vị giáo dục, do sự chi phối bởi nhiều yếu tố, trong đó, nổi cộm là khâu quản lý chuyên môn chưa đồng bộ, đội ngũ giáo viên không đồng đều về năng lực nên còn không ít những bất cập chưa thể khắc phục, trong đó có tình trạng dạy học chủ yếu là đọc chép.
Việc truyền thụ kiến thức, kỹ năng cho học sinh trong một tiết lên lớp là sự kết hợp của nhiều biện pháp, thao tác dạy học, như phát vấn, diễn giảng, đàm thoại, minh hoạ bằng giáo cụ trực quan, nhằm đưa đến một hiệu quả cao nhất là một giờ học sinh động, phát huy được tính tích cực hoạt động của học sinh. Tiếc thay, không phải giáo viên nào cũng làm được điều này. Không ít giáo viên chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, ít chịu khó đầu tư nghiên cứu bài giảng trước khi lên lớp nên thụ động hoàn toàn vào tài liệu giáo viên, sách giáo khoa, kết quả là “đọc-chép” trong suốt một tiết học, “đọc-chép” từ năm này đến năm khác trên những tập giáo án dùng nhiều năm. Hậu quả học sinh phải gánh chịu là học vẹt, học tủ, học quá tải, dẫn đến thiếu hứng thú học tập.
Như thế, chủ trương chống đọc chép mà Bộ giáo dục yêu cầu các trường THCS, THPT phải khắc phục trong vòng 2 năm đến là đúng hướng, trên một tinh thần khoa học trong tổ chức dạy- học và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận. Vai trò tuyên truyền của báo chí để nhà trường nhận thức đúng về việc chống dạy học chủ yếu là “đọc-chép” rất quan trọng. Kể cả những vùng khó khăn, thiếu thốn CSVC, trang thiết bị dạy học, khi giáo viên chấm dứt đọc -chép trong cả tiết học, vẫn có thể vận dụng phối hợp nhiều thao tác khác như đặt câu hỏi khơi gợi cho học sinh trao đổi, thảo luận; vẽ tranh, ảnh, biểu đồ minh hoạ, tập cho HS các thao tác nghe, nhìn, tư duy, bộc lộ, kết hợp với ghi chép cùng một lúc. Khi cần thiết, vẫn có thể đan xen thao tác đọc - chép ở chỗ này hay chỗ khác. Từ sự chấm dứt dạy học chủ yếu “đọc-chép”, các trường sẽ phải năng động hơn trong việc tu bổ CSVC, đầu tư trang thiết bị dạy học, đội ngũ để hỗ trợ giáo viên phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong những giờ lên lớp. Nhiều ý kiến cho rằng, trong những năm học tiếp đến, chủ trương chống “đọc-chép cũng cần được áp dụng đối với các trường đại học và cao đẳng, vì “đọc-chép” cũng đang bị lạm dụng ở đại học, cao đẳng từ nhiều năm qua.
0 nhận xét cho bài "Chống “đọc - chép” - Cần phải được hiểu đúng"
Đăng nhận xét