Phong trào thi đua " Hai tốt" của ngành Giáo dục huyện Quỳnh Phụ đã xuất hiện những điển hình tiên tiến như: trường Mầm non An Bài, Đông Hải, Quỳnh Thọ vươn lên đạt chuẩn với tốc độ nhanh; Tiểu học An Ninh, An Bài, Quỳnh Xá điển hình bồi dưỡng giáo viên, thi đua hai tốt.
Nhiều tập thể sư phạm và các địa phương trong huyện phấn đấu xây dựng trường chuẩn mức 2 như Tiểu học An Bài, An Khê, An Mỹ, An Lễ, Quỳnh Minh... Đưa công nghệ thông tin vào trường học giảng dạy điển hình như THCS Quỳnh Hồng, An Bài. Hiện toàn huyện có 7 xã có hai trường đạt chuẩn Quốc gia như: An Bài, An Ninh, An Lễ, An Đồng, An Vinh, Đông Hải, Quỳnh Thọ. Riêng An Bài là xã duy nhất có 3 trường chuẩn QG. Thành quả đó, theo đồng chí Lại Cao Hạnh, Trưởng phòng GD huyện cho biết, là do ngành áp dụng ISO 9000 & QTM trong quản lý giáo dục.
Với giáo dục ở một huyện có nhiều khó khăn về phát triển kinh tế như Quỳnh Phụ thì quan điểm chỉ đạo của ngành, khi áp dụng ISO 9000 & QTM trong quản lý chất lượng giáo dục là sự phù hợp với mục tiêu và chuẩn mực được chấp nhận công khai. Do vậy: Yếu tố thiết bị và cơ sở vật chất của nhà trường, sự đầu tư hiệu quả cho giáo dục và chính sách với giáo viên, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên; trách nhiệm của hiệu trưởng và giáo viên; nhận thức của gia đình học sinh về phương pháp giáo dục; phương pháp dạy và học, đánh giá... là động lực nâng cao chất lượng giáo dục. Theo quan điểm này, ngành giáo dục huyện Quỳnh Phụ bước đầu áp dụng nội dung quản lý chất lượng giáo dục trong 5 trường điểm. Sau một thời gian thử nghiệm thấy đạt kết quả, hiện nay đã nhân ra diện rộng trên toàn huyện, với tất cả các trường học. Trọng tâm của chương trình quản lý dạy học và hoạt động giáo dục là tổ chức tốt khâu thiết kế bài giảng. Xây dựng mục đích học tập, phương pháp học là cách khai thác thông tin và cách học tư duy. Kiểm tra đánh giá, mục đích là nuôi dưỡng động lực cho dạy học. Xây dựng các điều kiện và lực lượng giáo dục. Phân công trách nhiệm trong QLCL với học sinh: tự học và tự đánh giá/ đánh giá và giúp bạn đánh giá, tư vấn cho bạn/ phản ánh nguyện vọng với thầy giáo và nhà trường. Với giáo viện, dạy học và tư vấn/ đánh giá học sinh/ thông tin cho gia đình học sinh/ tổ chức các hình thức để học sinh tự đánh giá mình. Với Hiệu trưởng, tổ chức quá trình giáo dục và tư vấn/ kiểm soát quá trình và kiểm soát kết quả của giáo viên/ đánh giá giáo viên/ huấn luyện đội ngũ. Phòng giáo dục kiểm định chất lượng/ thanh tra giáo dục; Tổ chức nhiều hình thức thi năng khiếu và Olimpic để định hướng hoạt động giáo dục toàn diện. Kiểm tra thẩm định việc đánh giá học lực và bồi dưỡng học sinh giỏi, hiệu quả đào tạo làm căn cứ đánh giá chất lượng.
Với tư tưởng: Thiết kế đúng, làm đúng từ đầu sẽ cho kết quả như mong đợi. Sản phẩm của giáo dục là con người, được đánh giá ở nhân cách, trí tuệ, sức khoẻ, tình cảm; không cho phép có sản phẩm phế thải và rất cần ở họ khả năng sáng tạo. Quan niệm đánh giá chất lượng giáo dục chưa đầy đủ khi coi kết quả thi là kết quả cuối cùng. Thông thường hoạt động giáo dục chỉ quan tâm đến việc giảng bài cho học sinh theo giáo án soạn sẵn, dạy nhiều năm không có thay đổi gì lớn và học sinh học theo cách giảng của thầy một cách thu động, coi trọng kiểm tra bên ngoài, chưa chú ý đúng mức tự kiểm tra bên trong (tức là nhận thức của học sinh); coi quản lý là việc của Hiệu trưởng. Do vậy, hoạt động giáo dục bị hạn chế bởi giáo viên nghĩ dạy thế nào cũng được, miễn học sinh làm được bài thi, chỉ tập trung ôn thi cuối năm, rèn và làm bài theo bộ đề thi, dạy tủ, dạy theo mẫu. Cấp quản lý ngành cũng lấy kết quả thi làm thước đo chất lượng nên bệnh thành tích còn chỗ phát triển.
Khi áp dụng ISO, đòi hỏi mỗi giáo viên phải là chủ thể tự giác quản lý quá trình dạy học từ soạn bài, lên lớp, chấm bài, đánh giá kết quả học tập và tổ chức hoạt động ngoài giờ, đồng thời tự kiểm soát quá trình thực hiện đó, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm nhất. Làm cho giáo viên có thói quen lập phương án chậm (thiết kế chậm) để thực hiện nhanh; thay vì thiết kế nhanh, thực hiện chậm (soạn bài nhanh, nhưng mất thời gian phụ kém, sửa lỗi, dạy lại...)
Quản lý chất lượng theo ISO 9000 ở Quỳnh Phụ được các thầy giáo, cô giáo chấp nhận. Bước đầu trong nhận thức đòi hỏi trước hết ở người quản lý về quan niệm: Làm mọi người chuyển từ quan điểm chỉ quan tâm đến tỷ lệ tốt nghiệp, thi lên lớp sang làm chu đáo từng khâu, từng việc của quá trình. Từ quản lý theo mệnh lệnh sang đề cao chủ động, sáng tạo của mỗi thành viên. Xây dựng tinh thần hợp tác trong tập thể, chừng nào trong nhà trường mỗi người chỉ lo riêng cho mình, biết việc của mình thì ở đó chưa có quản lý chất lượng giáo dục.
Chất lượng giáo dục ở các bậc học của Quỳnh Phụ năm học qua khi áp dụng rộng rãi quản lý chất lượng GD bằng ISO 9000 & QTM là một minh chứng. Các nhà trường đã thực hiện nghiêm túc nội dung dạy học đủ môn, đủ hoạt động, không dạy trước chương trình. 97,8% học sinh Tiểu học được học 10 buổi / tuần; 14 trường THCS học 2 buổi/ ngày. 100% học sinh Tiểu học, THCS được học ngoại ngữ, âm nhạc và hội hoạ; 20 trường tiểu học, THCS, GDTX, Mầm non với hơn 100 giờ thực hiện dạy học bằng giáo án điện tử. Có 845 học sinh Tiểu học ở 9 trường và 80% trẻ Mầm non được nuôi bán trú. Trẻ được bảo đảm an toàn trong ăn uống, học tập, vui chơi, trẻ dạt chuẩn 73,2%, đạt yêu cầu chương trình 98%, đạt kênh A 89%, kênh B,C còn 11%. Bậc Tiểu học có 74,9% học sinh đạt học lực khá, giỏi; học lực yếu là 0,9%. Học sinh lớp 5 được công nhận hoàn thành chương trình Tiểu học đạt 99,9%. THCS 58,1%, học sinh đạt lực học khá giỏi. Học lực yếu còn 0,18%. Tốt nghiệp THCS 4590 em/tổng số 4605 em, đạt 99,7%, trong đó 68,7% đỗ khá, giỏi. 3.342 em/ tổng số 3.369 em tốt nghiệp THPT và BTVH PTTH đạt 99,2%. Chất lượng bậc THCS được khẳng định trong thi tuyển sinh vào THPT, điểm thi vào các trường THPT xếp thứ 3 toàn tỉnh. Tỷ lệ hạnh kiểm trung bình và yếu ở THCS còn 3,3%; GDTX là 9%; HS Tiểu học 2,1%, có 2 học sinh vi phạm pháp luật nặng, một bị đuổi học. Số học sinh được công nhận Học sinh giỏi ở Tiểu học qua kiểm định chất lượng và thi các môn năng khiếu là 2043 em, tỷ lệ 13%; 25 em đạt giải thi viết chữ đẹp cấp tỉnh; 2 em đạt giải quốc gia thuộc về trường TH An Tràng và Quỳnh Côi. Đội tuyển học sinh giỏi lớp 9 xếp thứ ba toàn đoàn, tiến bộ 2 bậc so với năm học trước. 8/9 đội tuyển đạt giải đồng đội với 3 giải nhất: môn ngữ văn của thầy Vũ Cao Minh (An Bài) và cô Phạm Thị Lý (Thị trấn Quỳnh côi); môn giải toán máy tình Casio của thầy Nguyễn Duy Dân (thị trấn Quỳnh Côi), môn sinh học của cô Trịnh Thi Phượng (Quỳnh Hưng), 01 giải nhì môn Vật lý của cô Vũ Thị Hằng (thị trấn Quỳnh Côi); 4 giải ba môn lịch sử cô Nguyễn Thị Huệ (TT QC), và thầy Lương Xuân Thà (An Ninh). Môn toán thầy Nguyễn Bá Bắc (TT QC), thầy Vũ Văn Duân (An Bài), môn ngoại ngữ thầy Vũ Cao Cảnh, cô Đặng Thị Nguyền. Môn hoá học của thầy Nguyễn Văn Tuyến... 83/108 em học sinh đạt giải, 26/38 trường có học sinh đạt giải (TT Quỳnh Côi 16 giải, An Vinh 10 giải, An Bài 8 giải, An Ninh 6 giải, Quỳnh Hoa 5 giải...) Kỳ thi Olimpic các môn học bậc THCS có 1069 em đạt giải, chiếm 6% học sinh THCS. Hội khoẻ Phù Đổng, Quỳnh Phụ liên tục 4 năm liền đạt giải nhất toàn đoàn, tất cả các môn đều đạt huy chương. 83 HC cá nhân gồm 47 vàng, 29 bạc, 7 đồng. Tỷ lệ đỗ đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp của Quỳnh Phụ năm 2005-2006 là 31,4% so với số dự thi, trong đó đỗ đại học tăng 5 %, cứ 6 em dự thi có 01 em đỗ đại học.
Tổng kết năm học 2005-2006, ngành GD huyện Quỳnh Phụ có nhiều sự kiện nổi bật cả về chất lượng giáo dục và quản lý giáo dục: Huyện ban hành đề án số 02 về phát triển ngành học Mầm non; trường Tiểu học An Bài đạt chuẩn bước 2; xã thứ 31 trong huyện có trường đạt chuẩn là Quỳnh Giao; Quỳnh Hải : xã thứ 7 có 2 trường chuẩn. Những thử nghiệm mới về QLCL theo ISO 9000 & QTM, bước đi sớm trong thực hiện phong trào ba không đạt kết quả. Giải ba đồng đội học sinh giỏi THCS và giải nhất năm thứ 4 liên tiếp Hội khoẻ Phù Đổng toàn tỉnh. Chuyên đề giáo án điện tử, tập huấn tin học do chính giáo viên của huyện thiết kế và hướng dẫn. Xây mới và dưa vào sử dụng trụ sở làm việc mới của phòng GD.
ISO 9000 & QTM được áp dụng và triển khai rộng rãi tới tất cả các trường học trong huyện Quỳnh Phụ đang được các thầy giáo, cô giáo của ngành GD huyện QP đón nhận và thực hiện đạt hiệu quả. Với cuộc vận động "ba không" của ngành GD-ĐT tỉnh nhà, việc áp dụng quản lý chất lượng giáo dục theo ISO 9000 là bước đi khoa học, đạt hiệu quả trong giáo dục, khẳng định quyết tâm "Nói không với tiêu cực trong thi cử, tiến tới không dạy đọc chép và bệnh thành tích..." là có thể thực hiện thành công ở ngành GD huyện Quỳnh Phụ.
LÊ QUANG VIỆN - Báo Thái Bình
0 nhận xét cho bài "Lý luận thực tiễn áp dụng ISO 9000 & QTM trong quản lý giáo dục ở Quỳnh Phụ"
Đăng nhận xét